Sunday, May 7, 2017

Tái hiện nghi thức báo cáo hôn lễ của Thái tử và Thái tử phi với tổ tiên tại Tông Miếu (Jongmyo) - Nét văn hóa triều đại Joseon



Kể từ khi Tông Miếu (Jongmyo) - Nơi đặt bài vị và thờ các đời vua và các hoàng hậu của triều đại Joseon được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995, nhạc tế tự, tế lễ của Tông Miếu, nghi thức tế lễ Tông Miếu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2001, Hàn Quốc đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá các nghi lễ truyền thống của triều đại Joseon được thực hiện tại đây. Chính vi vậy, những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 hàng năm được xem là những ngày lễ cung đình triều đại Joseon với nhiều nghi lễ và nghi thức cung đình được tái hiện, vận động quần chúng trực tiếp tham gia nhằm thu hút sự quan tâm và chú ý của người dân trong và ngoài nước về di sản văn hóa của Hàn Quốc. Nằm trong chuỗi các hoạt động quảng bá nghi lễ và nghi thức cung đình Joseon, buổi tái hiện 'Nghi thức báo cáo hôn lễ của Thái tử và Thái tử phi với tổ tiên' diễn ra tại Tông Miếu cũng là một trong số các hoạt động thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan và đón xem. Năm 2017 tái hiện lại nghi thức báo cáo hôn lễ của thái tử Gyeongjong thời điểm 9 tuổi, con trai của vua Sukjong vào năm trị vị thứ 22 của vị vua này với Thái tử phi Danibin. Đây được xem là nghi thức báo cáo hôn lễ đầu tiên và duy nhất  được ghi nhận lại trong sách sử có đầy đủ sự tham gia của gia đình hoàng gia Joseon từ vua, hoàng hậu đến thái tử trong lịch sử tồn tại của triều đại này,


Nghi thức báo cáo hôn lễ của Thái tử và Thái tử phi với tổ tiên tại Tông Miếu thường được thực hiện ngay sau nghi thức đám cưới cung đình tại hoàng cung. Thông thường khi hoàng gia đón thêm hoàng hậu hay thái tử phi mới, cô dâu sẽ phải đến ra mắt tổ tiên là những vị vua và hoàng hậu đời trước được thờ tự tại Tông Miếu như một nghi thức báo cáo hôn lễ với tổ tiên. Đây cũng là nghi thức hoàng gia duy nhất tại Tông Miếu mà nữ giới trong hoàng gia Joseon được phép tham gia.















Với nền tảng Nho giáo Khổng tử ăn sâu vào tư tưởng của triều đại Joseon, nguyên tắc nam nữ thụ thu bất thân và việc phân chia thứ bậc giai cấp vô cùng rõ ràng dưới thời cai trị của triều đại này, chính vì vậy, sau khi bá quan văn võ tiến vào chính điện Tông Miếu thực hiện nghi thức tế lễ xong, họ phải lui ra ngoài để nhường vị trí cho hoàng hậu và thái tử phi thực hiện nghi thức, không một vị quan nào được phép nhìn mặt của Hoàng hậu và Thái tử phi.  Vị trí đứng của hoàng hậu và thái tử phi ở hướng Tây là hướng của mặt trăng, tượng trưng cho yếu tố Âm trong âm dương ngũ hành, còn vị trí đứng của vua và thái tử ở hướng Đông là hướng mặt trời mọc, tương ứng với yếu tố Dương.






Nghi lễ tái hiện được thực hiện trong khoảng 40 phút, một khoảng thời gian vừa đủ để bạn có thể tập trung theo dõi, cũng như có yếu tố dẫn dắt là 3 người dẫn chuyện khá hài hước và khéo léo. Kết thúc chương trình bạn cũng có thể  chụp hình kỷ niệm với đội ngũ diễn viên tham gia. Thông thường các nghi thức này được vào cửa miễn phí và bạn phải đăng ký trước qua internet hoặc đến trực tiếp đăng ký tại Tông Miếu vào ngày diễn ra sự kiện. Các diễn viên đóng vai vua, hoàng hậu, thái tử và thái tử phi cũng được tuyển chọn công khai từ những công dân Hàn Quốc bình thường thông qua chương trình tuyển chọn minh bạch. Tình cờ tham gia sự kiện nhờ một người bạn rủ bất chợt nhưng đây cũng là một trong những hoạt động tại Tông Miếu mà mình tò mò muốn tham gia trong suốt mấy năm vừa qua. Đi, xem và hiểu hơn về văn hóa chỉ là một phần, một phần khác là mình hy vọng thông qua cơ hội này để hiểu biết hơn về cách Hàn Quốc đã và đang quảng bá, giữ gìn bảo tồn nét đẹp văn hóa của họ đến người dân trong nước cũng như quốc tế, cách họ thu hút học sinh và người trẻ biết và tìm hiểu văn hóa của nước nhà như thế nào. Nhìn Hàn Quốc và hy vọng về một tương lai không xa cho văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng, với giới trẻ và được tôn trọng giữ gìn phát triển.

Chi tiết hơn về Tông Miếu bạn có thể tham khảo qua link sau của KBS :
http://world.kbs.co.kr/special/unesco/contents/excellent/e3.htm?lang=v

Wednesday, May 3, 2017

Đèn hoa đăng vào ngày Phật Đản mang ý nghĩa gì?

Góp nhặt từ ngày Phật Đản 2017


Năm nào cũng đi chùa cầu bình an may mắn cho gia đình và bản thân và năm nào đọc rồi cũng quên ý nghĩa của việc thắp đèn hoa đăng ngày Phật Đản hay kể cả những ngày rằm, nên năm nay phải ghi lại cho đỡ quên mới được haizzz
Ngày Phật Đản được công nhận là ngày quốc lễ tại Hàn Quốc từ năm 1975, và Phật giáo cũng đã từng là quốc giáo của Hàn Quốc trong thời kỳ Tam Quốc và triều đại Goryeo, hầu như ai hay tìm hiểu về Hàn Quốc đều biết rõ.
Phần lớn những người theo Phật giáo trong đó có mình dường như chỉ biết đến ý nghĩa cầu quốc thái dân an và cầu bình an ở trong tâm thiện của chính bản thân. Nhưng có lẽ ý nghĩa sâu xa và nguyên bản nhất của việc thắp đèn hoa đăng lễ Phật là mong muốn ánh sáng của mỗi ngọn đèn sẽ là ánh sáng của trí tuệ chiếu sáng và dẫn đường cho sự hoà bình và phát triển của thế giới, của nhân loại.



Nhân ngày Phật Đản, thắp một ước nguyện nhỏ nhoi cho bản thân và gia đình, mong ánh sáng của trí tuệ sẽ giúp mình sáng suốt và mạnh mẽ hơn, mong một năm bình an cho cả nhà và những người yêu quý...


Tản mạn một ngày thăm chùa Jogyesa 2017 và góp nhặt từ internet ^^

연등빛이 지혜의 빛으로 되어
우리 모두 지혜로운 길에 걸어갈 수 있길...



Từ vựng tiếng Hàn _Sưu tầm

Nội dung sao chép từ trang Facebook  https://www.facebook.com/tienghanphaplyluatsulengoctuan/ Phân biệt 직위, 직급, 직책 - 직위: Cấp bậc. Cụ th...